Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng xây dựng doanh nghiệp vững mạnh

VHDN: Nhân dịp hội nghị “Triển khai Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam khu vực Tây Nam bộ” do Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 4 năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Theo ông, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp?

Ông Hồ Anh Tuấn: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là văn hóa giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ giữa nhân viên trong công ty, với đối tác, khách hàng…, mà nó còn là văn hóa trong kinh doanh, thể hiện qua triết lý kinh doanh, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và cùng với đó là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức 248 phát biểu tại hội nghị.

Văn hóa doanh nghiệp chính là phương thức hoạt động riêng mà doanh nghiệp lựa chọn và sử dụng trong tất cả các hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ hằng ngày, mang dấu ấn, bản sắc riêng về phong cách và được thể hiện bằng những hành vi, dấu hiệu có thể nhận biết và phân biệt được với các doanh nghiệp khác. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp trở thành những dấu hiệu nhận diện hay là thương hiệu của doanh nghiệp, là phương tiện giúp các đối tác, khách hàng và các cơ quan hữu quan nhận biết, lựa chọn và đánh giá trong quá trình tiêu dùng, hợp  tác, làm việc và tạo thành lợi thế trong kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp nào chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt được uy tín, sự tin cậy, trung thành và vì thế dễ tiến tới sự phát triển bền vững.

Văn hóa doanh nghiệp cũng được thể hiện qua hành xử của doanh nghiệp đối với xã hội… Văn hóa doanh nghiệp là tài sản tinh thần của doanh nghiệp, là nguồn lực để doanh nghiệp phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy sự hợp tác trong công việc để vươn tới thành công, thậm chí văn hóa doanh nghiệp quyết định ý nghĩa việc làm của nhân viên vì nó khẳng định tính chân chính của công việc và lý tưởng của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Khi văn hóa doanh nghiệp đã thâm nhập và thẩm thấu vào toàn bộ việc làm và con người của doanh nghiệp thì lúc đó doanh nghiệp có một sức mạnh vô cùng to lớn.

Tất cả những mục tiêu tốt đẹp đó bất cứ doanh nhân chân chính nào cũng muốn hướng tới. Khi xây dựng chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp luôn chú trọng đến tính ổn định và sự phát triển bền vững. Bởi không chú trọng đến yếu tố văn hóa kinh doanh cũng có nghĩa là tự anh đã xây dựng chiến lược phát triển không trên một nền tảng vững chắc và thất bại rất khó tránh khỏi.

Trong bài phát biểu của mình, ông từng viện dẫn lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ: “Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh của quốc gia”. Điều này một lần nữa càng cho thấy tầm quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Ông Hồ Anh Tuấn: Việt Nam là một dân tộc, một đất nước có bề dày mấy ngàn năm lịch sử, với biết bao giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó chính là nguồn cội, là bản chất để chúng ta tin rằng Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động chắc chắn sẽ thành công. Chúng ta đã có chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” như là một thông điệp cho doanh nghiệp bước vào thương trường. Trong tương lai với Bộ Tiêu chí VHKD Việt Nam sẽ được trao cho những doanh nghiệp hội đủ điều kiện như một lời khẳng định về tầm vóc của doanh nghiệp. Dĩ nhiên, từ đó niềm tin của đối tác, sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với các doanh nghiệp này sẽ được nhân lên gấp bội.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ cần thiết và hữu ích cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Văn hóa doanh nghiệp là nhân tố chi phối, quyết định chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, thương mại…, là hệ thống các giá trị dẫn dắt, điều tiết, định hướng doanh nghiệp hướng tới những mục tiêu nhân văn tốt đẹp. Chính vì thế văn hóa doanh nghiệp giúp các tổ chức, cá nhân đảm bảo chữ tín, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và vì thế góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quốc gia. Văn hóa doanh nghiệp cũng tạo nền tảng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, tạo dựng “sức mạnh mềm” trong các quan hệ đối ngoại.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta đang nói nhiều đến “thương hiệu Quốc gia”. Thương hiệu Quốc gia chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp với những thương hiệu uy tín của mình. Nhân tố văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển các sản phẩm đại diện cho thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới. Thông qua văn hóa doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đang đóng góp theo cách riêng để tạo dựng một hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, giàu truyền thống văn hóa, đồng thời cũng rất năng động, sáng tạo, cởi mở trong hội nhập, là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế…

Việc triển khai Bộ Tiêu chí VHKD sẽ có giá trị gì đối với doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước. Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Với những đặc thù như vậy, tôi nghĩ vai trò của doanh nghiệp sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sẽ là lực lượng chủ công trong việc khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để vùng “Đất chín rồng” này cất cánh vươn cao, bay xa.

Mới đây Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là định hướng, là sự chỉ đạo và cũng là sự khẳng định của Đảng về thế mạnh của cả vùng, để từ đó cùng bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Bộ Tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ tiêu chí đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham gia ban hành. Trong quá trình xây dựng đã có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí. Bộ Tiêu chí đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để có thể cung cấp đầy đủ các căn cứ phục vụ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”. Vào tháng 7-2021 Bộ Tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành với 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường.

Sau một năm triển khai Bộ Tiêu chí và tiến hành xét chọn 10 doanh nghiệp đạt chuẩn đợt đầu, Ban tổ chức đã tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Bộ Tiêu chí cho sát hợp hơn với tình hình thực tiễn đất nước và quốc tế, hiện nay gồm 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường.

Lực lượng doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển đất nước nói chung cũng như Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Vì vậy việc triển khai Bộ Tiêu chí VHKD chính là bước chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi mang tính bền vững cho doanh nghiệp, giúp họ đảm đương được trọng trách là lực lượng chủ công trong phát triển kinh tế. VHKD là một thứ không thể thiếu trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Từng nhiều năm giữ trọng trách là Thứ trưởng Bộ VH&TT, cái đọng lại lớn nhất trong ông vẫn là nỗi suy tư trăn trở về đời sống văn hóa của xã hội và bây giờ nó được “truyền dẫn” đến giới doanh nghiệp, doanh nhân?

Ông Hồ Anh Tuấn: Là người làm công tác văn hóa, tôi luôn suy tư nghiền ngẫm về vấn đề này. Bác Hồ từng nói “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa”. Định nghĩa về văn hóa của Bác là đơn giản nhất, khúc triết nhất và dễ hiểu nhất. Nhưng càng nghiền ngẫm, càng thấy điều tưởng như đơn giản của Bác lại thể hiện một tư tưởng vĩ đại của Người. Bởi lẽ suy cho cùng, mọi hoạt động của con người trước hết đều “vì lẽ sinh tồn”, những hoạt động sống đó trải qua thực tiễn và thời gian được lập đi lập lại thành những thói quen, tập quán, chắt lọc thành những chuẩn mực, những giá trị vật chất và tinh thần được tích lũy lưu truyền từ đời này qua đời khác thành kho tàng quý giá mang bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, góp lại mà thành di sản văn hóa của toàn nhân loại.

Tôi luôn thấm thía câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và tuyên ngôn của tổ chức UNESCO trong thập kỷ văn hóa vì sự phát triển: “Văn hóa phải đứng ở trung tâm của sự phát triển và điều tiết xã hội bằng hệ thống các giá trị, mục đích nhân văn của mình”. Văn hóa phải thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và dẫn dắt nhân loại luôn hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi cũng muốn góp phần lan tỏa, hiện thực hóa thông điệp văn hóa đó. Đã có một thời, cả trong nhận thức cũng như thực tiễn, người ta coi “thương trường là chiến trường”, “cá lớn nuốt cá bé”, làm ăn chộp giật, lách luật, vô trách nhiệm vì những lợi ích, mục tiêu trước mắt. Nhưng đó chỉ là thời kỳ “tích lũy tư bản” ban đầu. Để phát triển lâu dài và bền vững, chúng ta phải kinh doanh có văn hóa, có tri thức, có trách nhiệm. Tất cả các công ty thành công trên thế giới và các quốc gia thành công về kinh tế đều phải dựa trên các trụ cột của phát triển bền vững trong đó có trụ cột văn hóa-xã hội. Đã đến lúc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải hòa mình vào dòng chảy chung đó, tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới, coi trọng nhân tố văn hóa trong tất cả các quyết sách, chiến lược phát triển, phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo nên một hệ sinh thái lành mạnh “tất cả cùng thắng”, để vừa phát triển doanh nghiệp của mình, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, biến giấc mơ đưa Việt Nam trở thành một con rồng châu Á sớm thành hiện thực.

Rất cám ơn ông về những chia sẻ đầy tâm huyết và trách nhiệm này. Kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và chúng ta có cùng một niềm tin, trong tương lai không xa số doanh nghiệp đạt tiêu chí VHKD sẽ nhiều thêm và họ sẽ đĩnh đạc bước vào thương trường với tâm thế tự tin là “hình ảnh của quốc gia” như Thủ tướng đã từng nói!

Nguyễn Văn Mạnh

Chia sẻ
01:20:27 10-06-2022

VHDN: Nhân dịp hội nghị “Triển khai Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam khu vực Tây Nam bộ” do Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 4 năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi