Sự kiện - chuyên đề:

Vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Xem lại công tác cán bộ và thực hiện cải cách hành chính

VHDN: Ngày 28/7/2023, TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra ở Bộ Ngoại giao, một số cơ quan Trung ương, địa phương và ở nước ngoài từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022. Có 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận hối lộ 165 tỉ đồng; 23 cá nhân ở nhiều doanh nghiệp tư nhân đưa hối lộ 226 tỉ đồng, 4 bị cáo môi giới hối lộ 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt 24 tỉ đồng đã nhận bản án nghiêm khắc. 4 bị cáo chịu phạt tù chung thân: Phạm Trung Kiên (thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lí Xuất nhập cảnh) và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng An ninh điều tra) Bộ Công an…

Trong 2 năm (2020 – 2021) đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng trên toàn cầu. Một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng về nước thông qua cơ chế bảo hộ công dân. Đáp ứng nguyện vọng đó, Chính phủ chủ trương tổ chức những “chuyến bay giải cứu” và giao các cơ quan chức năng thực hiện. Ngày 01/12/2020 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nhưng để các doanh nghiệp đảm nhiệm “chuyến bay giải cứu” công dân về nước. Trong thời gian đó, các cơ quan chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp hàng nghìn chuyến bay, đưa khoảng 200.000 người từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước và tổ chức cách li.

Ảnh minh họa

Trong hơn một nghìn chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo(*), riêng Bộ Ngoại giao đề xuất với Chính phủ phê duyệt 772 chuyến (400 chuyến giải cứu, 372 chuyến combo). Cục Lãnh sự do Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Tô Anh Dũng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ (VPCP), các Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải), một số tỉnh, thành phố phối hợp triển khai chương trình nhân đạo này. Để có giấy phép cho mỗi chuyến bay, các doanh nghiệp phải tác nghiệp theo một quy trình như “ma trận”. Hành trình phải đi từ VPCP, đến các bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải), về địa phương. Ở mỗi cơ quan lại phải chầu trực, năn nỉ nhiều “cửa” đăng kí gặp chuyên viên nọ, trưởng, phó phòng kia, ngài vụ trưởng này, vụ phó khác, rồi vị cục phó, cục trưởng thuộc bộ liên quan. Quan trọng phải đến “cửa” các ông thư kí, hay trợ lí của “sếp” là người có quyền hạn kí văn bản. Theo các bị cáo là doanh nghiệp thì vào cửa nào, chỗ nào, ông (bà) nào cũng gây khó, nhũng nhiễu như nhau và đều vòi vĩnh, “ngã giá”, ép chi tiền. Công ty Thuận An 8 lần trình văn bản xin cấp phép đều bị từ chối. Đến lần thứ 9 “bôi trơn” 600 triệu đồng cho Nguyễn Thị Hương Lan thì mới được cấp phép. Kẻ vòi vĩnh, làm tiền trắng trợn nhất là bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế với 253 lần đã nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng.

Trong vụ án này, 23 quan chức nhận hối lộ rất lớn: Ngoài Phạm Trung Kiên là Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lí Xuất nhập cảnh (QLXNC) Bộ Công an 27,3 tỉ đồng; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao 25 tỉ đồng; cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận “quà biếu” 21,5 tỉ đồng; Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng: 12,2 tỉ đồng; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lí Xuất nhập cảnh Bộ Công an: 9,3 tỉ đồng; Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng QL XNC Bộ Công an: 7,6 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hơn 5 tỉ đồng,v.v…

Việc xin cấp phép “chuyến bay giải cứu” theo quy trình “tít mù nó chạy vòng quanh” như “ma trận” do “nhóm lợi ích” tạo ra cơ chế xin-cho, thôi thúc các doanh nghiệp chỉ còn cách phải “hối lộ” bởi nếu không “đút” và “lót” sẽ không được việc. Công ty Bầu Trời Xanh do Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc) phải đưa hối lộ 100 tỉ đồng để được cấp phép hàng trăm chuyến bay. Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19 lo lót 12 tỉ đồng mới được cấp phép 12 chuyến bay,v.v…Nhu cầu về nước của người Việt Nam càng cao, bọn sâu mọt càng “đục khoét” nặng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá vé, giá mọi loại dịch vụ bay và giá dịch vụ cách li trong nước. Lịch sử kinh doanh vận tải, nhất là ngành vận tải hàng không, du lịch chưa bao giờ giá vé máy bay cao kỉ lục như giải cứu trong đại dịch. Từ các nước châu Âu về giá vé 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng/vé; giá vé từ Mỹ, Ca-na-đa về nước từ 160 triệu đến 240 triệu đồng/vé, cao gấp 7-10 lần trước đại dịch. Vé máy bay từ Malaysia về cũng tăng 4-7 lần.

Ảnh minh họa

Nỗi đau xót khôn cùng là trong khi đại dịch COVID-19 diễn ra tàn khốc. Ở trong nước, cả hệ thống chính trị vào cuộc trong thế trận “chống dịch như chống giặc”. Ở nước ngoài người dân là lao động mưu sinh, người nhà thăm thân, học sinh, sinh viên, thậm chí là tù nhân,v.v… bị kẹt trong đại dịch lại bị lũ “sâu mọt” làm tiền trắng trợn “ăn không còn thứ gì”. Nhân danh Nhà nước, các bị cáo bất chấp kỉ cương, phép nước, chà đạp lên công lí và nỗi khổ đau của người dân để làm tiền một cách trắng trợn, tàn bạo.

Các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bởi có tổ chức. Những kẻ nhận hối lộ đều có chức vụ quyền hạn lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, ép buộc, đòi “chung chi”. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong Nhân dân. Hầu hết các bị cáo đều được đào tạo cơ bản, là trí thức, đảng viên, một số là cán bộ cao cấp, cán bộ cấp chiến lược nhưng đã tự tha hoá về đạo đức, nhân cách, tự đào huyệt chôn sự nghiệp của mình trong khi tuổi còn trẻ, đường quan lộ còn dài. Vụ án đã làm mất đi một loạt cán bộ, công chức, viên chức, gây điêu đứng trong một số cơ quan, làm hao mòn nguồn lực Nhà nước và sự khủng hoảng, thậm chí một số doanh nghiệp bị phá sản,v.v…

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, một trong 4 cuộc cải cách lớn là cải cách hành chính và thủ tục hành chính. Chỉ riêng vụ án “chuyến bay giải cứu” thì cuộc cải cách này không thành công, bởi sự chồng chéo, đan xen chức năng, nhiệm vụ, tạo ra nhiều kẽ hở, nhiều lỗ hổng. Một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức, viên chức tha hoá, hình thành “nhóm lợi ích” và duy trì cơ chế XIN – CHO, khiến nhiều kẻ “vục mặt”, “mờ mắt” làm tiền trên mồ hôi, xương máu của Nhân dân, trấn lột của doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra, các doanh nghiệp “đưa hối lộ” khoảng 226 tỉ đồng, còn trong cáo trạng thể hiện 23 quan chức “nhận hối lộ” 165 tỉ đồng. Như vậy, còn 60 tỉ đồng nữa đi đâu, những ai đã “nhận hối lộ” trong số tiền rất lớn đó?.

Cũng như “Đại án Việt Á”, vụ án “Chuyến bay giải cứu” liên quan nhiều cơ quan chiến lược trong nước và 62 Đại sứ quán, Lãnh sự quán ở nước ngoài đều có số lượng cán bộ, công chức, viên chức “nhúng chàm” đông đảo. “Đại án Việt Á”, một số cán bộ cấp chiến lược (Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) phạm tội nghiêm trọng. Những kẻ nhận tiền hối lộ liên quan “chuyến bay giải cứu” khi được điều tra, thẩm vấn đều thừa nhận vấn đề nhân đạo, nhân văn, chính sách tốt đẹp của chế độ, song gần như có chung một “nhận thức” coi “nhận hối lộ” chỉ là tiền “cảm ơn”, là “quà biếu” như “phong bì” mừng những khi lễ, tết, sinh nhật, thăm viếng. Không có bị cáo nào tự giác nhận hành vị xấu xa là “nhận hối lộ”. Trước toà, bị cáo Tô Anh Dũng (nhận hối lộ 21,6 tỉ đồng), mở miệng: “Tôi không làm trong quản lí kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cám ơn là hành vi phạm tội…”!

Cũng qua các vụ đại án Việt Á, đại án Công ty AIC, đại án “Chuyến bay giải cứu”,v.v… thấy rõ bài học cốt tử là từ công tác cán bộ. Từ đó, nhận diện từng con người vi phạm pháp luật trong quá trình công tác. 100% số cán bộ đều là đảng viên, đã trải qua đào tạo, được giáo dục, rèn luyện trở thành người trí thức, có trí tuệ nhưng do cơ chế, do quản lí, bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng… không phải đều được tiến hành chặt chẽ, đều đúng quy trình và đều có năng lực, có tín nhiệm. Trong số các bị cáo cũng có cả “con ông cháu cha”, người nhà, người thân của những người có chức, có quyền. Một số khác không loại trừ khả năng từng “mua chứng chỉ, mua chức vụ”. Khi có chức, có quyền, có địa vị thì bất chấp kỉ cương, làm tiền bằng mọi giá như một “kịch bản” thu vén, thu hồi vốn, trục lợi.

Điều đáng buồn, đáng nguyền rủa là trước sự cám dỗ của đồng tiền (trước đây thường gọi là “viên đạn bọc đường”) xem ra không thấy có cán bộ nào “từ chối”. Tiền doanh nghiệp dùng “bôi trơn” bắn mũi tên nào cũng trúng đích. Chúng bơm tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng được coi là “quà biếu”, là “hoa hồng”. Quan lớn, quan nhỏ, ở cơ quan hành pháp Trung ương, ở địa phương, trong ngành bảo vệ pháp luật,v.v…chưa thấy một ai từ chối, trả lại ngay lúc đưa. Sức hấp dẫn kì lạ của đồng tiền đi đúng phương châm “có tiền mua tiên cũng được”. Những cán bộ “nhúng chàm” đã tự tha hoá, tự bán rẻ lương tâm, uy tín, danh dự, chôn vùi cả sự nghiệp của mình sau khi đón nhận những cái “phong bì” đen ngòm sự u tối, đê hèn và nhục nhã. Đó là hạng người không có trí tuệ văn hoá, văn hoá công vụ, văn hoá làm người tử tế.

(*) Chuyến bay combo: Do doanh nghiệp triển khai đưa công dân tự nguyện trả phí trọn gói và thực hiện cách li y tế.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2023

(Kim Quốc Hoa)

16:26:52 09-08-2023

VHDN: Ngày 28/7/2023, TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra ở Bộ Ngoại giao, một số cơ quan Trung ương, địa phương và ở nước ngoài từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022. Có 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ lợi […]

Đối tác của chúng tôi