Sự kiện - chuyên đề:

Bệnh viện PHCN Nghệ An Nơi bệnh nhân tin tưởng điều trị thoát vị đĩa đệm

VHDN: Là một trong những căn bệnh xương khớp có tỉ lệ bệnh nhân cao nhất hiện nay, thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể để lại những di chứng nặng nề cho cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chữa trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng, thậm chí tàn phế. Thời gian qua Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An (PHCN) là một trong những địa chỉ tin cậy của rất nhiều bệnh nhân.

Ngăn chặn tiến triển liệt

Có mặt tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An vào một ngày đầu tuần, cùng bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hà – Bác sỹ điều trị vật lý trị liệu – PHCN đến thăm bệnh nhân Lê Đức Lập (năm nay 74 tuổi) đến từ xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Đây là bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, đã từng đi điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. “Tôi phát hiện mình bị thoát vị đĩa đệm đốt sống khoảng 3 năm trước, trước đó tôi đã có những dấu hiệu đau nhức, khó chịu nhưng không đi khám. Tuy nhiên sau đó cơn đau nhức ngày càng nhiều, nhất là mỗi khi hoạt động nên tôi đi khám. Tôi đã đi chữa trị nhiều nơi, từ bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh. Song, cơn đau chỉ giảm khi nghỉ ngơi, còn tái phát khi vận động” – ông Lập cho hay.


Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hà – người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cho biết: “Bệnh nhân Lập nhập viện với tình trạng đau nhức vùng thắt lưng lan xuống 2 chân đau kèm tê bì, đau tăng khi hắt hơi, vận động, kèm đau nhức vùng vai gáy, lan lên chẩm gáy, xuống 2 tay”.

Hay như trường hợp bà Vi Thị Lan (67 tuổi) ở xã Châu Đình (Quỳ Hợp) bị thoát vị đĩa đệm khi còn trẻ. Đằng đẵng suốt cả thời thanh xuân của bà là chuỗi ngày chờ chồng với nỗi lo khắc khoải. Nhưng niềm hạnh phúc khi đón chồng trở về lại chẳng trọn vẹn bởi những năm tháng chiến đấu trên chiến trường đã khiến sức khỏe của ông yếu đi. Về quê nhà được 4 tháng, ông vĩnh viễn ra đi, để lại bà cùng cô con gái lên 8 tuổi mang trong mình bệnh tim bẩm sinh.


Gần 20 năm lập gia đình cũng ngần ấy thời gian bà Lan thân cò lặn lội vất vả, tảo tần, tích cóp từng đồng bạc để đưa con gái đi chữa bệnh. Bị thoát vị đĩa đệm khi còn trẻ, việc đi lại hết sức khó khăn, có những lúc bà Lan phải chống gậy, dắt con đi tìm thầy thuốc với niềm hy vọng còn nước còn tát. Năm này qua năm khác, bà cứ kiên trì, đồng hành cùng con đi khắp nơi chữa trị. Bà Vi Thị Lan tâm sự: “Mọi thứ sau đó trở nên khó khăn hơn, bệnh tình ngày một nặng hơn. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhỏ, sau đó cơn đau diễn ra liên tục. Khi tuổi đã xế chiều, có thời gian hơn tôi mới chú ý tới sức khỏe. Được sự giới thiệu của hàng xóm, tôi đã đến Bệnh viện PHCN Nghệ An để thăm khám và điều trị. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện PHCN Nghệ An, bệnh đã đỡ hơn nhiều.

Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Đây là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó điều trị. Thoát vị đĩa đệm ngày càng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Không ít trường hợp than phiền về tình trạng đau nhức dữ dội, tê buốt ở khu vực xương sống và liên sườn. Tuy nhiên, hầu như chỉ khi thật sự không chịu nổi tình trạng đau đớn người ta mới tìm đến bác sĩ để chữa trị. Người bệnh chủ quan, coi thường bệnh, điều trị không đúng phương pháp gây tốn kém tài chính, thậm chí người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ bại liệt”.

Chủ động phát hiện và điều trị

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống và có sự đứt rách vòng sợi gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình. Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống, hay nói cách khác nó là tình trạng đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống. Thoát vị đĩa đệm thường tập trung ở các dạng chính là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm mất nước, thoát vị đĩa đệm đa tầng, sau bên…

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện PHCN Nghệ An

Hiện có tới 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 – 55 tuổi. Tình trạng đĩa đệm bị thoát vị có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như: thoái hóa sinh học, chấn thương hoặc các cú va đập mạnh, do có thói quen sinh hoạt và làm việc sai cách hoặc thậm chí cũng có thể do các yếu tố chủ quan khác như béo phì, stress…

Để phòng ngừa chứng đau vai gáy khi chưa có biểu hiện thương tổn, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hà tư vấn, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, đi, đứng, làm việc đều phải đúng tư thế. Nếu phải ngồi làm việc trong thời gian dài thì sau 45 phút nên đứng dậy thực hiện vài động tác vận động cột sống cổ, vai để tăng sức dẻo dai cho hệ thống gân, cơ và dây chằng quanh vai. Không nằm gối đầu quá cao để đọc sách hay xem ti vi, không lắc cổ kêu răng rắc, xoa bóp nhẹ nhàng vùng vai khi có cảm giác mỏi.

Ths.Bs Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện PHCN Nghệ An cho biết: Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, để điều trị hiệu quả cho người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống, bệnh viện đã đưa ra những phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh nhân theo nguyên tắc phối hợp điều trị thuốc, phục hồi chức năng. Để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm tận gốc cần có sự phối kết hợp của nhiều phương pháp bảo tồn chuyên biệt chứ không chỉ dừng lại ở một vài viên thuốc giảm đau hay các bài tập đơn lẻ. Cụ thể như: Giai đoạn cấp nằm nghỉ ngơi tại chỗ, trên đệm cứng, bất động ở tư thế nằm không mang tải. Điều trị vật lý trị liệu bằng nhiệt hồng ngoại, paraffin, siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa…Bài tập nhẹ nhàng thụ động, chủ động, có trở kháng và co cơ đẳng trường. Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân đỡ đau có thể điều trị thêm kéo giãn cột sống thắt lưng, ngực, kéo giãn cột sống cổ bằng máy kéo giãn cột sống để gia tăng lỗ liên đốt, giảm chèn ép rễ thần kinh.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An còn kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền như sử dụng các dạng thuốc sắc hoặc thuốc viên hoàn tán. Cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng đông y đang được nhiều người bệnh ưu tiên sử dụng, bởi thuốc có nhiều ưu điểm nổi bật. Các bài thuốc đông y không những giúp giảm nhanh các biểu hiện đau do đĩa đệm gây ra mà còn giúp nâng cao khả năng hồi phục. Đặc biệt, thuốc sử dụng từ các loại thảo mộc tự nhiên nên khá an toàn, không gây tác dụng phụ cho người sử dụng khi điều trị trong thời gian dài. Tùy theo từng thể loại bệnh chẩn đoán theo YHCT để có các “pháp điều trị” theo đối pháp lập phương khác nhau.

Bên cạnh đó, người bệnh còn được xoa bóp, nắn chỉnh cột sống bằng cách dùng các thủ thuật “phát, day, ấn, bóp, bấm, đẩy” tác động vào vùng lưng, cột sống, theo đường đi của dây thần kinh tương ứng với các vùng bị bệnh; hoặc sử dụng châm cứu (điện châm hoặc Laser châm) tùy theo từng vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống và vùng dây thần kinh bị chèn ép để chỉ định các huyệt châm cứu cho phù hợp.

Bệnh viện PHCN Nghệ An: Tiên phong thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng đột quỵ và Đơn vị chống đau

Để hiệu quả hơn trong điều trị, Bệnh viện PHCN Nghệ An đã thành lập Đơn vị chống đau có sự hỗ trợ của Giáo sư Nguyễn Văn Chương – Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học, Bệnh viện 103, chuyên viên Thần kinh học Viện Quân Y, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội. Được biết, ngoài các phương pháp điều trị trên, hiện nay Giáo sư Nguyễn Văn Chương đã áp dụng phương pháp điều trị tiêm ngoài màng cứng và phóng bế trong điều trị thoát vị đĩa đệm.

Vương Duyên

09:55:43 17-08-2019

VHDN: Là một trong những căn bệnh xương khớp có tỉ lệ bệnh nhân cao nhất hiện nay, thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể để lại những di chứng nặng nề cho cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chữa trị đúng, kịp thời có […]

Đối tác của chúng tôi