Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn duy trì vai trò “đầu tàu”, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP.
Theo thống kê, hiện TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, đây là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, do vậy việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Bên cạnh các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP cũng được xem là thế mạnh của Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao.
Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã, trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Trong 518 sản phẩm có 220 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng có nghề, chiếm 42,5%; 49 chủ thể là doanh nghiệp, có 169 sản phẩm, chiếm 32,6%; 39 chủ thể là HTX có 100 sản phẩm, chiếm 19,3%; 103 chủ thể là hộ kinh doanh có 249 sản phẩm, chiếm 48,1%.
Thành phố Hà Nội hiện đã phát triển 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, khách du lịch đến với Thủ đô. Trong đó có thể kể tới: Cửa hàng Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc), Cửa hàng lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (phường Vạn Phúc), Cửa hàng Xuân Cường Hadicraft (M18, Khu đấu giá Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu), Cửa hàng rau an toàn (chợ Hà Đông),…
Nhằm tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc liên kết chuỗi vừa bảo đảm truy xuất nguồn gốc vừa phát triển bền vững. Tính đến nay trên địa bàn TP có 149 chuỗi, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.
Trong những năm gần đây, Thành phố Hà Nội luôn tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội để các chủ thể phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, các làng nghề ở Hà Nội tích cực đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội còn xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố cũng như các địa phương, góp phần tạo thành một hệ sinh thái OCOP, từ đó khai thác, phát triển hoạt động du lịch làng nghề.
Việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển các sản phẩm OCOP địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề; đẩy nhanh công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, sự phát triển làng nghề, các sản phẩm OCOP đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động già cả, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển đã giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa làng nghề đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng miền, các địa phương tiếp tục triển khai lồng ghép hiệu quả các nguồn lực […]