Sự kiện - chuyên đề:

Huyện CHƯ PƯH (GIA LAI): Một số thành tựu phát triển Kinh tế – Xã hội

VHDN: Mặc dù chỉ mới thành lập nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của người dân, huyện Chư Pưh đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Huyện Chư Pưh được thành lập theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ diện tích và dân số phía Nam của huyện Chư Sê (cũ), diện tích 716,15 km2 và dân số hơn 60.000 người. Với sự quyết tâm trong chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của người dân, Chư Pưh đã tạo sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội.

Hàng năm, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh trao tặng một đến hai bộ cồng chiêng cho buôn làng.

Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 18.800 ha, sản lượng lương thực đạt 30.000 tấn, lương thực bình quân 450 kg/người/năm. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ lai tạo đàn bò và nạc hóa đàn heo được nâng lên, công tác phòng-chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được chú trọng…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 20%. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông – lâm nghiệp chiếm 55%, công nghiệp – xây dựng chiếm 22%, thương mại – dịch vụ chiếm 23%. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2020 đạt 25 tỷ đồng. Toàn huyện có 48 cơ sở sản xuất, chủ yếu tập trung một số ngành nghề như chế biến nông-lâm sản, cơ khí, tiện, hàn, sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp. Hoạt động thương mại-dịch vụ ngày càng được mở rộng và nâng cao về chất lượng. Các công trình xây dựng cơ bản phát huy hiệu quả, đến nay 100% xã, thị trấn và 81/81 thôn, làng có điện, số hộ dùng điện đạt 100%, máy điện thoại cố định bình quân đạt 6,5 máy/100 hộ dân.

Sự nghiệp giáo dục không ngừng phát triển, toàn huyện có 35 trường học, với hơn 18.000 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 50%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98,5%, duy trì sĩ số học sinh đạt 99,4%, 7/9 xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi… Công tác phòng- chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng đạt 100%. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được kiện toàn, số xã có bác sĩ đạt 55%; 100% số xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh truyền hình, 7/9 xã, thị trấn có trạm truyền thanh, số hộ nghèo giảm còn hơn 5%.Trong 5 năm tới (2020-2025), huyện Chư Pưh tập trung khai thác nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Đẩy nhanh phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, xây dựng huyện ổn định và phát triển.

Có thể nói một nét văn hóa độc đáo của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và huyện Chư Pưh nói riêng đó là văn hóa cồng chiêng. Ngay sau khi Di sản Văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh, huyện Chư Pưh đã tích cực triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này.

Bên cạnh việc truyền dạy cồng chiêng, huyện cũng chú trọng thành lập các đội văn nghệ dân gian, tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước thông qua hàng trăm lớp truyền dạy đánh cồng chiêng nhằm tổ chức sinh hoạt, biểu diễn, tham gia các liên hoan, hội diễn về văn hóa cồng chiêng. Hiện tại hầu hết các buôn làng huyện Chư Pưh đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè, lễ tết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Văn Cuông

09:06:42 10-11-2021

VHDN: Mặc dù chỉ mới thành lập nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của người dân, huyện Chư Pưh đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội. Huyện Chư Pưh được thành lập theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của […]

Đối tác của chúng tôi