Sự kiện - chuyên đề:

Mỹ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm, đồng USD lao dốc

Mỹ tăng lãi suất thêm 25 điểm lên mức cao nhất 15 năm trong phiên họp 1/2 đúng như kỳ vọng của thị trường. Nỗi lo Fed tăng mạnh lãi suất đã được giải tỏa. Đồng USD ngay lập tức giảm mạnh.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp đầu tiên năm 2022 hôm 1/2 (rạng sáng 2/2 giờ Việt Nam) quyết định tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) thêm 25 điểm cơ bản đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, đưa lãi suất FFR lên 4,5%-4,75%/năm.

Đây là mức lãi suất chuẩn cao nhất kể từ tháng 10/2007.

Trong năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 7 lần, với lần gần nhất là 50 điểm phần trăm (tháng 12) và 4 lần trước đó mỗi lần 75 điểm phần trăm (tháng 5, tháng 7, tháng 9 và tháng 11) trong một nỗ lực kìm hãm lạm phát vốn có thời điểm (tháng 6/2022) lên đỉnh 40 năm.

Như vậy, tốc độ tăng lãi suất tiếp tục chậm lại, đúng như tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong các cuộc họp lần trước và như kỳ vọng của thị trường.

Nỗi lo về một cú tăng mạnh thêm 50 điểm không xảy ra, dù Fed báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất, có thể thêm hai lần nữa trong cuộc họp tháng 3 và tháng 5, trái với kỳ vọng Fed dừng tay sớm của nhiều người.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

Tại cuộc họp tháng 12/2022, biểu đồ “dot-plot” cho thấy, đa số thành viên Fed dự báo sẽ tăng lãi suất cho tới mức đỉnh 5,1% trong năm 2023, tương đương với phạm vi mục tiêu 5%-5,25%. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng mức lãi suất đỉnh sẽ gần 4,75% và Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay.

Tuyên bố sau cuộc họp, Fed cho biết, “lạm phát đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn còn cao”, nhưng không còn nói đến nguyên nhân do đại dịch và không cân nhắc yếu tố “sức khỏe cộng đồng” như là một yếu tố trong việc đưa ra quyết định chính sách.

Fed cũng thấy cần phải “tiếp tục nâng lãi suất” – không thay đổi so với tuyên bố sau cuộc họp tháng 12/2022. Nó không “bồ câu” hơn nhưng cũng không “điều hâu” hơn. Tuyên bố vẫn với những từ ngữ như vậy.

Các quan chức Fed cũng nhấn mạnh “mức độ” tăng lãi suất trong tương lai dựa trên các yếu tố như tác động của các đợt nâng lãi suất cho đến nay, cộng thêm đó là độ trễ chính sách và diễn biến của các điều kiện tài chính cũng như nền kinh tế.

Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007: 4,75%/năm. (Biểu đồ: M. Hà)

Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007: 4,75%/năm. (Biểu đồ: M. Hà)

Có thể thấy, quyết định của Fed không có nhiều bất ngờ, không xấu và tốt cho thị trường.

Những kỳ vọng quá đà (về việc Fed sớm đảo chiều chính sách) hay nỗi lo về một cú mạnh tay (tăng thêm 50 điểm hay thậm chí 100 điểm) đã không xảy ra. Điều này ngay lập tức tác động tới thị trường. Các loại tài sản ổn định lại.

Bên cạnh đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC, ông Jerome Powell cho hay, đỉnh lãi suất Fed hoàn toàn có thể ở mức dưới 5%.

Chứng khoán Mỹ quay đầu tăng, USD tụt giảm

Sự thất vọng về việc Fed chưa sớm chấm dứt tăng lãi suất khiến chứng khoán Mỹ vào đầu phiên giảm mạnh. Tuy nhiên, sau đó, thị trường đồng loạt quay đầu khởi sắc trở lại. Fed đã đi đúng lộ trình, không có bất ngờ gì qua so với lo ngại của nhiều nhà đầu tư.

Giá vàng tăng vọt. Tính tới 6h sáng 2/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.954 USD/ounce, vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.950 USD/ounce.

Đồng USD giảm mạnh. Chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – giảm hơn 1% xuống 101,06 điểm. So với mức 115 điểm hồi cuối tháng 9/2022, chỉ số này đã giảm hơn 12,1%.

Trong nước tỷ giá USD/VND cũng đã ổn định trong khoảng 2 tháng qua. So với đỉnh 24.888 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) ghi nhận hôm 25/10, đồng USD đã giảm hơn 5,1%.

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và có thể giảm nữa (Biểu đồ: M. Hà)

Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và có thể giảm nữa (Biểu đồ: M. Hà)

Việc đồng USD trên thị trường thế giới tiêp tục giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt sẽ giúp các nước, trong đó có Việt Nam, dễ dàng hơn trong việc đưa ra chính sách tài chính tiền tệ thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể đẩy mạnh mua đồng USD (sau khi bán mạnh hồi tháng 10 và 11/2022) nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối làm dày thêm bộ đệm chính sách. Tiền được bơm ra cũng được kỳ vọng làm giảm những khó khăn, kích thích kinh tế sôi động hơn.

Đây cũng là một tin tốt cho thị trường chứng khoán.

Trong phiên đầu tháng 1/2, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ ghi nhận áp lực bán tăng vọt vào cuối giờ chiều do nỗi lo về một cú mạnh tay bất ngờ từ Fed. Chỉ số VN-Index đảo chiều giảm 35,21 điểm (-3,17%), xuống 1.075,97 điểm. HNX-Index giảm 6,42 điểm, xuống 216,01 điểm. Upcom-Index giảm 1,2%, xuống 74,93 điểm.

Với mức giảm gần 3,2%, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ghi nhận vốn hóa bốc hơi 6 tỷ USD.

Quyết định của Fed có thể giúp thị trường chứng khoán nhiều nước ổn định trở lại.

Hiện Fed vẫn kiên trì kéo giảm lạm phát về mức mục tiêu 2,5%. Đây là nhiệm vụ lâu dài, nhưng lạm phát của Mỹ thời gian qua đã hạ nhiệt nhanh chóng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước, chỉ còn tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9,1% hồi tháng 6.

Fed gần đây cũng giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối kế toán, lên tới 445 tỷ USD trong 7 tháng qua. Số dư trên bảng cân đối kế toán đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn hơn 8.400 tỷ USD.

Theo vietnamnet

08:39:16 02-02-2023

Mỹ tăng lãi suất thêm 25 điểm lên mức cao nhất 15 năm trong phiên họp 1/2 đúng như kỳ vọng của thị trường. Nỗi lo Fed tăng mạnh lãi suất đã được giải tỏa. Đồng USD ngay lập tức giảm mạnh. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp đầu tiên năm […]

Đối tác của chúng tôi