Sự kiện - chuyên đề:

Thái Nguyên: Văn hóa kinh doanh ở đâu ?

VHDN: Ứng xử có văn hoá trong kinh doanh là một trong những con đường dẫn đến sự thành công của mỗi doanh nhân trên thương trường. Tuy nhiên thời gian gần đây tại Thái Nguyên xảy ra việc một cá nhân vì tư lợi mà đi ngược lại triết lí kinh doanh này và bị bạn hàng tố cáo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật.

THỦ ĐOẠN CHIẾM DỤNG VỐN?

Hiện nay, trào lưu chơi lan và kinh doanh lan đột biến vẫn chưa lắng dịu. Mặc dù kiểu kinh doanh này chỉ rộ lên trong vài năm gần đây, nhưng những mặt trái của nó đã để lại hậu quả thật khôn lường. Gian lận, lừa đảo bằng mọi thủ đoạn như: chiếm dụng vốn, chiếm đoạt tài sản, sẵn sàng đẩy nạn nhân đến tan gia bại sản, xử nhau theo kiểu luật rừng khi xảy ra tranh chấp. Vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội, cùng những ứng xử gây nhức nhối trong xã hội và ngay cả trong nội bộ giới chơi lan cũng như kinh doanh mặt hàng “đột biến” này. Trường hợp vườn lan ông Nguyễn Văn Cần ở thị xã Phổ Yên là một ví dụ.

Ông Đỗ Bá Tuất – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lan thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết, ông là thầy dạy nghề lan và cũng là người đứng ra kết nạp hội viên cho ông Nguyễn Văn Cần ở Hồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên vào Hội Lan Sông Công khoảng 6 đến 7 năm trước đây.

Trước đó, ông Cần là một nông dân thuần tuý ở mức độ đủ ăn. Bước vào nghề lan, ông Cần phất lên trông thấy với một cơ ngơi vô cùng hoành tráng chỉ sau một thời gian ngắn. Rồi cũng chính nghề kinh doanh này đã biến ông Cần từ một nông dân thuần phác trở thành một “doanh nhân phát tài” nhờ mánh khoé làm ăn gian dối. Hàng chục vụ việc mua bán gian lận chiếm dụng vốn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản giá trị tiền tỷ ở cơ sở này đã bị tố cáo đến các cơ quan pháp luật của Thái Nguyên để điều tra xử lý.

Nạn nhân của ông Cần chủ yếu là những người trong Hội Lan Sông Công và một số người ở thành phố Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc…. Tệ hại hơn là trong số những nạn nhân này có cả người thầy đã tận tâm dạy nghề cho ông Cần là ông Đỗ Bá Tuất – Phó Chủ nhiệm Hội Lan Sông Công (ông Tuất bị ông Cần lừa từ các mánh khoé trên). Hành vi chiếm dụng vốn của ông Cần thể hiện qua hàng chục vụ bán cây không đúng cam kết lan đột biến (đơn vị tính là xăng ti mét) cho các ông Hải, Kiên Xây, Quỳnh, Nam, Tuất, Hùng…, với những cái tên hết sức mĩ miều như: Hoàng tử, Hồng Yên Thuỷ, Bạch Tuyết… để ra giá và đặt tiền. Thời gian nhanh thì nửa năm, chậm thì từ 1 – 2 năm sau đợi lan ra hoa “đột biến” nếu không đúng như cam kết thì ông Cần chỉ trả lại số tiền gốc đã đặt này (hầu hết là không đúng). Số tiền đầu tư vào lan đột biến người ít vài trăm triệu, người nhiều hàng tỷ đồng. Số tiền này đều là những khoản vay ngân hàng và người thân. Họ kì vọng một khi cây lớn ra hoa “đột biến” sẽ bán lại kiếm lời để trở thành tỷ phú? Nhưng chờ đợi tiền tỷ chẳng thấy đâu còn tiền chục triệu lãi hàng tháng họ vẫn phải oằn lưng gánh chịu. Kết thúc của những phi vụ kinh doanh này may mắn lắm thì họ nhận lại được số tiền gốc đầu tư của mình.

Ông Phạm Văn Hải bị ông Cần lừa bán cho 7 cây lan đột biến giả.

Số tiền nhiều tỷ đồng của các phi vụ làm ăn này trong khoảng thời gian các nạn nhân đầu tư ông Cần chỉ cần gửi ngân hàng lấy lãi cũng đủ cho ông phất lên giàu có? Còn nữa, trong số các vụ này, có những vụ nhiều tỷ đồng, dấu hiệu của việc lạm dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân đang được các cơ quan pháp luật điều tra xử lý.

NHỮNG NHÂN CHỨNG NÓI GÌ?

Trong hàng loạt đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Cần đến các cơ quan pháp luật về hành vi gian dối trong kinh doanh, có cả một số đơn tố cáo ông Cần lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn hàng tỷ đồng. Điển hình đơn của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh ở thành phố Sông Công gửi đến Công an tỉnh Thái Nguyên tố cáo ông Nguyễn Văn Cần lừa đảo chiếm đoạt của ông Quỳnh số tiền 5,2 tỷ đồng trong hợp đồng mua 32 cây lan đột biến.

Nhân chứng ở vụ việc lừa đảo này là ông Phạm Văn Hải (tổ 4a phường Phố Cò) cho biết: Ông cũng là nạn nhân bị ông Cần gian dối bán cho 7 cây lan đột biến với giá gần 800 triệu đồng. Gần 1 năm sau xác định 7 cây lan này không đúng như cam kết là “đột biến” nên ông nhờ Hội Lan Sông Công đứng ra giải quyết. Vụ này ông Cần chỉ trả lại cho ông Hải số tiền gốc còn tiền lãi hàng tháng phải trả ngân hàng mấy chục triệu đồng đã không được ông Cần nhắc đến? Nạn nhân thứ 2 là ông Đỗ Bá Tuất, thầy dạy nghề lan cho ông Nguyễn Văn Cần được ông Cần “trả ơn” bằng 2 cây lan đột biến giả với giá 50 triệu đồng. Nạn nhân thứ 3 cũng “cùng hội, cùng thuyền” là ông Trịnh Xuân Hoà được ông Cần lừa bán cho 2 cây lan đột biến giả trị giá 80 triệu đồng hơn một năm sau đã nhận lại được tiền gốc? Điều trớ trêu hơn phải là khi 3 người này trả lại số cây không đúng thì ông Cần đã đem bán lại cho một hội viên “thân thiết” khác là ông Nguyễn Ngọc Quỳnh với giá cao hơn rất nhiều lần?

Theo ông Hải, ông Hoà thì việc làm của ông Cần đối với các ông là lạm dụng tiền vốn, các ông có thể cho qua. Nhưng ông Cần lấy số cây lan mà các ông đã trả lại để bán cho ông Quỳnh là hành vi lừa đảo. Hơn nữa khi sự việc được phát hiện, ông Cần không trả lại tiền cho ông Quỳnh còn thách thức pháp luật là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các ông sẵn sàng đứng ra làm chứng tố cáo ông Cần trước pháp luật về sự việc này.

Phó Chủ nhiệm Hội Lan Sông Công ông Đỗ Bá Tuất còn cho rằng: Điều cốt lõi trong kinh doanh các doanh nhân cần giữ chữ tín, thể hiện cho được Văn hoá Kinh doanh của mình, đặc biệt là kinh doanh cái đẹp tinh túy của loài lan đột biến. Về ông Nguyễn Văn Cần hành vi lừa thầy, phản bạn đã bị toàn bộ 35 hội viên của Hội Lan Sông Công khai trừ ra khỏi Hội. Chắc chắn rồi đây sẽ phải bị pháp luật xử lý lấy lại niềm tin cho những người yêu lan và kinh doanh cái đẹp của loài hoa cao quí này.

PV

16:39:17 08-09-2021

VHDN: Ứng xử có văn hoá trong kinh doanh là một trong những con đường dẫn đến sự thành công của mỗi doanh nhân trên thương trường. Tuy nhiên thời gian gần đây tại Thái Nguyên xảy ra việc một cá nhân vì tư lợi mà đi ngược lại triết lí kinh doanh này và […]

Đối tác của chúng tôi