Sự kiện - chuyên đề:

Thanh Hóa : Diện mạo Nga Sơn sau xây dựng nông thôn mới

VHDN: Nga Sơn không chỉ nổi tiếng là vùng quê chiếu cói, ngày nay Nga Sơn còn là một huyện được biết đến bởi có một diện mạo mới về xây dựng nông thôn mới (NTM): Làng quê sạch đẹp, đường làng ngõ xóm rải nhựa, bê tông hóa, trường trạm khang trang, kinh tế phát triển, trật tự xã hội ổn định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thịnh Văn Huyên.

Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, diện mạo Nga Sơn đổi mới như ngày nay chính là do quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Từ năm 2010, xác định xây dựng NTM là một chương trình quan trọng và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương, Ban chỉ đạo huyện Nga Sơn đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện rất cụ thể. Hàng năm, HĐND huyện đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Huyện ủy để ban hành nhiều cơ chế, chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển mục tiêu kinh tế – xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM. Sau 10 năm đã có tới 24 Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ đến nay là trên 207,4 tỷ đồng.

Hết năm 2012, huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng phục vụ cho công tác xây dựng NTM, sau dồn đổi số thửa đã giảm từ 2,36 thửa/hộ xuống còn 1,53 thửa/hộ. Năm 2019, toàn huyện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 1.299,6 ha, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp được được 155 ha; chuyển đổi được 1.106,1 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng, mô hình có giá trị kinh cao; xây dựng và duy trì vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 3.000 ha; 300 ha vùng sản xuất rau an toàn (trong đó 30,7 ha vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap); có 52 mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn với diện tích trên 7 ha; chỉ đạo thâm canh 800 ha cây cói cho năng suất, sản lượng cao, sản lượng cói được cung cấp cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tập trung xây dựng và duy trì 53 chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện trong sản xuất nông nghiệp; có 90% diện tích được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch; huyện đã tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: Chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói, sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng, rượu nếp Nga Điền; sản phẩm ẩm thực: gỏi cá Nhệch, Dê ủ trấu,… để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện đã có 02 sản phẩm đạt 3 sao được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận đó là: Chiếu cói dệt tay thủ công và Thảm cói trải sàn.

Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn huyện có 997 trang trại, gia trại; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.991 lao động, cho thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ cá nước ngọt. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2019 đạt 7.368,9 tấn.

Cầu Nga Liên sau xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Dịch vụThương mại có bước phát triển khá, đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2019, chiếm 48,8%, có 335 doanh nghiệp (04 doanh nghiệp FDI ), giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động. Phát huy tốt có 07 làng nghề được công nhận Làng nghề truyền thống đã tạo việc làm cho trên 15.000 lao động…

Nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, công sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa – thể thao, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu tiêu chí NTM. Giai đoạn 2010-2019, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp và làm mới 9,4 km Quốc lộ 10, xây dựng mới cầu Điền Hộ, Cầu Thắm, nâng cấp 4,8 km đường và 9,9 km cống rãnh đường tỉnh lộ, 34km đường huyện, xây mới và nâng cấp 106,1 km đường xã; 416 km đường thôn xóm và nội đồng, các công trình phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng mới và nâng cấp 20 công sở, 26 Trung tâm văn hóa – thể thao, sân vận động xã, xây mới 71 nhà văn hóa thôn, 26 trạm y tế, xây dựng thêm 413 phòng học kiên cố,… Nhờ đó diện mạo nông thôn của huyện đã từng bước được khang trang, hiện đại.

Sông Hưng Long – trung tâm thị trấn Nga Sơn được đầu tư xây dựng thành điểm du lịch và vui chơi giải trí.

Các hoạt động văn hóa – thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện khá tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, chú trọng. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, chú trọng: chất thải rắn, chất thải y tế trên địa bàn cơ bản được thu gom và xử lý theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn môi trường; 98,3% số hộ đã sử dụng nước hợp vệ sinh và 63,5% số hộ dùng nước sạch. 26/26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025, Nga Sơn đề ra mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện: Phấn đấu năm 2020 có 04 xã về đích NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt trên 50,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, huyện Nga Sơn có trên 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trên 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 30% số thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu.

Quỳnh Anh

 

08:25:49 12-06-2020

VHDN: Nga Sơn không chỉ nổi tiếng là vùng quê chiếu cói, ngày nay Nga Sơn còn là một huyện được biết đến bởi có một diện mạo mới về xây dựng nông thôn mới (NTM): Làng quê sạch đẹp, đường làng ngõ xóm rải nhựa, bê tông hóa, trường trạm khang trang, kinh tế […]

Đối tác của chúng tôi