Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt, công tác chỉ đạo điều hành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Một số nơi đã có cách làm mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả CCHC trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện ở địa phương, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, như Cà Mau, Tây Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng…
Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật luôn được Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với việc tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 44 nghị định; Thủ tướng ban hành 18 quyết định quy phạm; tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế cơ chế, chính sách như các chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm thuế VAT và các chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp…
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã làm được một số việc. Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định, 10/22 bộ đã công bố danh mục TTHC nội bộ, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc trước hạn tăng 10%, địa phương tăng 8% so với năm 2022…
Cải cách tổ chức bộ máy đạt kết quả tích cực, đến nay, Chính phủ ban hành 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan. 18 bộ, cơ quan đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
Thể chế về quản lý công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện, đã có 7/20 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 5/15 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Cải cách tài chính công, nhất là về thể chế, từng bước hoàn thiện. Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 215.500 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%), số tuyệt đối cao hơn 65.200 tỷ đồng.
Việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện với gần 69% TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 21 triệu hồ sơ trực tuyến, hơn 5,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với 6.500 tỷ đồng…
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 có kết quả tích cực, đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hàng năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng; 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ phiên họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ chúng ta cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong công tác CCHC, đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, cao hơn nữa cho người dân, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chính quyền phải mang lại cảm hứng, truyền động lực, huy động được nguồn lực của người dân; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như hoạt động chỉ đạo, điều hành về CCHC ở một số nơi còn hình thức, chưa quyết tâm, thiếu quyết liệt, chưa sát tình hình, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành.
Cải cách TTHC còn chậm, nhiều quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; hơn 600 TTHC chưa được phân cấp; TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; công khai, minh bạch TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; tỉ lệ số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC còn thấp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính còn xảy ra tình trạng sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; một số công chức, viên chức thiếu động lực để giải quyết công việc cho người dân. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là cơ học, chưa được như mong muốn; cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều cơ quan, địa phương còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả chưa cao, thậm chí còn hình thức; an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức…
Thủ tướng cho rằng những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu. Một số nơi chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo, chưa phát huy được vai trò người đứng đầu; nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách ở một số bộ, ngành chưa kịp thời; việc triển khai công việc thiếu trọng tâm, trọng điểm…
Thủ tướng rút ra một số bài học kinh nghiệm, trước hết là bám sát tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời quán triệt, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản ứng chính sách, linh hoạt, tích cực, chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm cấm việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đặt mình vào địa vị người dân và doanh nghiệp để xử lý công việc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình CCHC.
Chú trọng công tác truyền thông chính sách tạo đồng thuận đối với người dân, doanh nghiệp; chú ý làm rõ những quyết sách, chính sách mới; cổ vũ, động viên những mô hình mới, cách làm hay, truyền cảm hứng, tạo động lực thúc đẩy công tác cải cách…
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ ưu tiên cần rà soát trong công tác CCHC.
Thứ nhất, rà soát hệ thống các văn bản pháp luật để xác định những vướng mắc cần giải quyết (ở đâu, nội dung nào, ai giải quyết, thời hạn bao lâu).
Thứ hai, rà soát những thủ tục mà được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn hiện nay về lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng…, xử lý các vướng mắc để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ ba, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; những người làm tốt, vì dân, vì nước thì khen thưởng, động viên kịp thời.
Thủ tướng nhấn mạnh cần cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, không ban hành thêm các văn bản để cản trở, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như khả năng phát sinh tiêu cực…
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ; tổ chức quán triệt các chỉ đạo của phiên họp hôm nay tới tận cơ sở; rà soát xem các chỉ đạo, điều hành vừa qua đã tạo chuyển biến đến đâu trong thực tế để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp tình hình. Người đứng đầu các cấp phải xác định CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực thi nhiệm vụ, đây cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Tăng cường đối thoại, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Khẩn trương triển khai hiệu quả các chỉ đạo về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC trong cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tương đương, trình Thủ tướng. Thực hiện có hiệu quả quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế; cơ cấu lại theo vị trí việc làm…
Tăng cường thanh tra công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm vi phạm. Khẩn trương ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức; tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Ưu tiên cán bộ cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); triển khai có kết quả Đề án 06.
Về các nhiệm vụ cụ thể với từng cơ quan, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra CCHC tại bộ, ngành, địa phương để kịp thời xem xét, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quy định về việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, cấp huyện.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nâng cấp, vận hành có hiệu quả Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức một cách kịp thời, thuận tiện và hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện công cụ để người dân, doanh nghiệp góp ý với các quy định, chính sách; rà soát, đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất xử lý chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định chặt chẽ quy định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC trái thẩm quyền. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện. Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng cường đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp về những vấn đề được quan tâm để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (liên quan tới tiếp cận tín dụng, xuất nhập khẩu, thanh quyết toán…).
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Công an và các cơ quan triển khai hiệu quả các quy định, chính sách mới về visa; tiếp tục triển khai các ứng dụng trên VneID; phối hợp với các bộ, ngành xác thực, cập nhật, làm sạch dữ liệu và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tra cứu, giải quyết TTHC, đặc biệt là đối với các địa phương chưa thực hiện kết nối.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về đất đai, môi trường, mỏ nguyên vật liệu; rà soát, đơn giản hóa các TTHC về đất đai, tránh hiện tượng trục lợi trong giải quyết TTHC; xử lý nghiêm các sai phạm.
Bộ LĐTB&XH khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong tháng 7, theo hướng thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ về các chính sách mới liên quan tới visa đã được thông qua như: Mở rộng việc miễn visa; nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày; cấp thị thực điện tử (Evisa Việt Nam) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ…
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Nguồn: Báo Công lý
Nhấn mạnh quan điểm những gì pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, Thủ tướng nêu rõ 3 ưu tiên rà soát trong công tác cải cách hành chính hiện nay, gồm: Rà soát hệ thống văn bản quy […]