Sự kiện - chuyên đề:

Vị “bồ tát” giữa đời thường”

VHDN:Trong cuộc đời, hạnh phúc và niềm vui đôi khi được tạo nên từ những điều bình dị. Có những con người sẵn sàng che chở những em nhỏ mồ côi, người già neo đơn… với tình cảm từ tận đáy lòng. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là TT. Thích Truyền Tứ (trụ trì chùa Huyền Trang – Nhà Bè). Với tấm lòng bác ái và trái tim nhân hậu, nhiều người gọi vị chư tăng này là “Bồ tát sống giữa đời thường”!

T.T Thích Truyền Tứ tặng quà trung thu cho trẻ em mồ côi tại chùa.

Tấm lòng Bồ Tát

Chúng tôi có dịp đến thăm chùa ngôi chùa nhỏ xập xệ được xây dựng từ năm 1995 mang tên chùa Huyền Trang hay còn gọi là chùa Lá (địa chỉ 456/39 Huỳnh Tấn Phát, KP7, thị trấn Nhà Bè). Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là ngôi chùa được kết cấu bằng khung sắt, lợp bằng lá dừa tựa như những ngôi nhà nhỏ ven Đồng bằng sông Cửu Long. Chùa nằm trong vùng trũng của huyện Nhà Bè, quanh chùa lại là con rạch sâu và dài nên nước triều lên xuống, chùa cũng chịu nhiều cảnh phiền toái bởi con nước ròng nước lớn. Ngôi chùa lá sập xệ như vậy lại là nơi sinh sống của trẻ em mồ côi, người già lang thang cơ nhỡ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người làm cha cũng là người làm mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi đó chính là TT. Thích Truyền Tứ, trụ trì chùa Huyền Trang được các em nhỏ xem như cha, bởi người cha ấy đã cho các em lòng tin, nghị lực và tình thương. Ngoài nhiệm vụ trụ trì, thầy Truyền Tứ còn đảm nhận nhiều trọng trách khác, như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Phó ban Từ thiện Báo Giác ngộ, Trưởng ban Trung tâm Từ thiện Từ Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Thành viên Hội đồng Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tp.HCM.

TT. Thích Truyền Tứ tặng quà cho người mù, trẻ mồ côi thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Suốt hơn 23 năm, thầy Truyền Tứ luôn dành dụm tiền công đức để làm công tác từ thiện với tấm lòng bao la, bác ái, luôn xót xa trước nỗi khổ của nhân loại. Hằng đêm, sư thầy vẫn đau đáu trước những mảnh đời bất hạnh và luôn cảm thấy day dứt, trăn trở khi mình không đủ sức để gánh vác, san sẻ hết nỗi khổ của người nghèo và nỗi bất hạnh của những trẻ mồ côi. Qua cuộc trò chuyện, thầy Truyền Tứ tâm sự: Nhìn các em mồ côi bây giờ, thầy thấy chính mình năm xưa. Từ một trẻ mồ côi nên thầy thương chúng bơ vơ, đói khát, không nơi nương tựa. Cho đến nay, thầy là người luôn gắn bó với các em mồ côi và người nghèo. Năm 1993, thầy về chùa Thiên Trúc (quận 7) nhận nuôi 40 trẻ mồ côi rồi giao lại cho vị khác ở chùa nuôi dạy. Sau đó, thầy về Long Hoa cổ tự nhận nuôi 100 em trẻ mồ côi. Năm 1996, thầy về bán đất ông bà để lại ở quê rồi đến Nhà Bè mua hai hecta đất sú, đầm sình để dựng chùa. Chùa Lá được như hôm nay là đã trải qua một quá trình đầy gian khổ. Có chỗ ở thờ Phật, tu học tạm ổn, thầy lại tiếp tục nhận nuôi trẻ mồ côi và nuôi dưỡng cụ già neo đơn. Việc làm ý nghĩa của thầy cũng được nhiều người chia sẻ, chung góp sức. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi có người già neo đơn, hoặc trẻ em mồ côi, vô gia cư là người ta lại đem đến gửi thầy giúp đỡ. Mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều có những điểm chung “chỉ còn cách nương nhờ nơi cửa phật”. Với thầy, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn là trách nhiệm của người tu hành và công việc đó mang lại cho thầy cảm giác thanh thản, bình an trong tâm hồn.

Giúp đời là giúp chính mình

Ngoài công chăm sóc cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, trẻ mồ côi tại chùa, TT.Thích Truyền Tứ cùng các phật tử cũng không quản ngại khó khăn, vất vả, mọi người vẫn bước nhanh trên mọi nẻo đường dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, dầm mình trong giá lạnh của mùa đông để vận động các tổ chức, cá nhân cùng làm từ thiện, rồi tìm đến bên cạnh những mảnh đời bất hạnh động viên, chia sẻ với họ. Sư thầy đã giúp đỡ bao cảnh ngộ éo le, chính thầy cũng không nhớ rõ. Bởi hễ nghe ở đâu có người gặp hoàn cảnh khó khăn là thầy tìm đến giúp đỡ. Được biết, vừa qua thời điểm dịch bệnh Covid – 19, thầy Truyền Tứ đã trao tặng 2.500 phần quà từ thiện đến các nơi như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Củ Chi, quận 8, huyện Nhà Bè… cho những gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh nghèo, gia đình khó khăn, người già tàn tật, chất độc da cam. “Cuộc sống còn nhiều cảnh ngộ đáng thương lắm, tôi chỉ lo không giúp được hết. Giúp người cũng chính là giúp mình, người ta bớt khổ thì tâm mình cũng thanh thản hơn”, thầy Truyền Tứ chia sẻ.

TT Thích Truyền Tứ phát quà cho người nghèo.

Tạm biệt sư thầy khi chiều muộn, tiễn chúng tôi ra về, TT. Thích Truyền Tứ không quên dặn: “Chú viết bài đừng nhắc đến thầy nhiều nhé. Việc làm của thầy chỉ như giọt nước giữa đại dương, khen nhiều là không đúng với những gì kinh sách nhà Phật đã dạy”. Biết là vậy, nhưng những việc làm thiện nguyện của TT. Thích Truyền Tứ trong suốt hàng chục năm qua đã nói lên tất cả. Sau khi tiễn chúng tôi, sư thầy lại vội đi vào tiếp tục chăm sóc cho những hoàn cảnh cơ nhỡ đang sống nương nhờ nơi cửa Phật. Rời bước khỏi ngôi chùa nghèo, hình ảnh một vị chư tăng già nua với khuôn mặt phúc hậu luôn tận tình chăm sóc cho những hoàn cảnh khó khăn, như một vị “Bồ Tát” sống giữa đời thường không thể nào phai trong tâm trí chúng tôi.

Hùng Sơn – Thiện Nhân

15:43:50 12-05-2020

VHDN:Trong cuộc đời, hạnh phúc và niềm vui đôi khi được tạo nên từ những điều bình dị. Có những con người sẵn sàng che chở những em nhỏ mồ côi, người già neo đơn… với tình cảm từ tận đáy lòng. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là TT. Thích Truyền Tứ […]

Đối tác của chúng tôi