Sự kiện - chuyên đề:

Xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với khó khăn do lạm phát gia tăng

Là điểm sáng của nền kinh tế song xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường.

Hàng loạt các nhóm hàng như nguyên liệu, công nghiệp chế biến; nông sản đã giảm mạnh và những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh như thủy sản, dệt may “đói” đơn hàng khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với nguy cơ mất thị trường. Việc thiếu vắng các đơn hàng, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của năm nay đối mặt với nhiều thách thức.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là bài toán sống còn của doanh nghiệp, tất nhiên những thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ không dễ thay đổi được trong thời gian một đến hai năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Có thể thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD. Dù tương đương 6 tháng năm ngoái nhưng cũng để lại nhiều mối lo cho việc hoàn thành 10 tỷ USD của năm nay. Về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn giảm nhưng qua các tháng gần đây đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi và còn chậm. Các thị trường nhập khẩu đã có những dấu hiệu giải quyết được hàng tồn kho mà họ đã mua quá nhiều vào năm 2022. Đây là tín hiệu tốt cho các đơn hàng mới thời gian tới sẽ tăng lên.Bên cạnh đó, mùa lễ hội cuối năm cũng thường có nhu cầu cao về thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng. Quan trọng nữa là thị trường Trung Quốc cũng đang có sức tiêu thụ mạnh hơn. Trong khi đó, một số quốc gia sẽ kết thúc vụ thu hoạch sản phẩm nên chúng ta hi vọng tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm có thể phục hồi nhanh.

Các doanh nghiệp đang tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình tiêu thụ của các thị trường, điển hình như Mỹ. Cùng với đó là làm sao đủ nguyên liệu chế biến khi thị trường phục hồi. Mặc dù giá không làm hài lòng người nuôi nhưng vẫn có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt hơn cho năm 2024, đó là tập trung cho người nuôi được tiếp cận vật tư đầu vào với giá thành tốt hơn.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, doanh nghiệp tiếp tục củng cố chất lượng bằng các chứng nhận quốc tế, kinh tế xanh để xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá thủy sản Việt Nam.

Điều quan trọng, Việt Nam cần mở rộng thị trường xuất khẩu vì Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia. Với những quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường cũng là vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu tâm và cần có sự đồng hành của cơ quan nhà nước.

Thêm nữa, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm, vì vậy việc làm sao để tiếp cận với thị trường trong nước để từ đó có thể xuất khẩu tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu nội địa cũng là nội dung mà các doanh nghiệp cũng cần phải để ý.

Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập

09:49:27 17-07-2023

Là điểm sáng của nền kinh tế song xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường. Hàng loạt các nhóm hàng như nguyên liệu, công nghiệp chế biến; nông sản đã giảm mạnh và […]

Đối tác của chúng tôi