Sự kiện - chuyên đề:

Đại biểu Quốc hội: Đảm bảo quyền công dân với nhu cầu sử dụng nước

Sáng 26/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước; tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và và khắc phục tác hại do nước gây ra. Dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (Ảnh: Quochoi.vn)

Cùng với đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác…

Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 3 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

ĐB Quốc hội Cầm Thị Mẫn, Đoàn tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐB Quốc hội Cầm Thị Mẫn, Đoàn tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Phục hồi các dòng sông ô nhiễm, cạn kiệt 

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, ĐB Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn này cũng như về sau.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguòn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước…

Cùng quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, ĐB Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định) cho rằng phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Đồng thời đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

ĐB Quốc hội Lý Tiết Hạnh, Đoàn tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐB Quốc hội Lý Tiết Hạnh, Đoàn tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo ĐB Lý Tiết Hạnh, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước. Hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ TN&MT, tuy nhiên, qua giám sát cuả Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện. Vì thế, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.

Phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt

Góp ý vào dự án Luật này, ĐB Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống tại Điều 4.

Đại biểu cho biết, qua các điều của Luật sửa đổi lần này từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.

ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn TP Hà Nội phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn TP Hà Nội phát biểu thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước, ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng. Từ đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận, các ĐB Quốc hội cũng góp ý kiến về việc cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ TN&MT vào dự thảo luật; đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; nghiên cứu bổ sung thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước để đảm bảo cho công tác bảo vệ tài nguyền nước.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

14:25:49 26-10-2023

Sáng 26/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên […]

Đối tác của chúng tôi