Sự kiện - chuyên đề:

Đánh thức dòng men cổ tại Chu Đậu

VHDN:Gốm Chu Đậu sau hơn 400 năm thất truyền đã hồi sinh, phát triển. Đặc trưng riêng của gốm Chu Đậu không chỉ thể hiện qua các hoa văn, họa tiết tinh xảo mà màu men tro trấu còn phản ánh trung thực nền văn minh, bản sắc văn hóa thuần Việt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu.

Một dòng gốm men trứ danh

Từ thế kỷ XIII – XIV, người Chu Đậu đã biết dùng các loại nguyên liệu có sẵn để phục vụ cho việc sản xuất gốm sứ như dùng vỏ trấu, lá cây, thân cây làm men bảo vệ hoa văn, họa tiết sản phẩm. Ngày nay, bằng khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã dùng đồng vị Cacbon-14 phân tích bài men tro của gốm Chu Đậu. Theo đó, màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cô- ban, phủ ngoài men tro hoặc màu nâu nền men trắng nhạt đã tạo nên sắc thái rất riêng của gốm Chu Đậu: Dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo nhất của gốm Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập. Khác với những sản phẩm gốm có sự giao thoa của văn hoá phương Đông và phương Tây, gốm Chu Đậu là gốm Đạo, có họa tiết thuần Việt, mang giá trị nhân văn sâu sắc của Phật Giáo (chủ yếu là hoa sen, hoa cúc, đến cảnh chăn trâu, chim đậu trên cành, đàn cá bơi dưới nước…).

Cặp bình Hoa Lam Tỳ Bà – một trong những sản phẩm độc đáo của Gốm Chu Đậu.

Hiện nay, Công ty chú trọng phát triển song song dòng gốm vẽ vàng và dòng gốm hoa văn đắp nổi vẽ vàng. Với sản phẩm vẽ vàng, sau lần nung đốt, người nghệ nhân sẽ tuyển chọn những sản phẩm xuất sắc nhất và thêm hai công đoạn vẽ vàng kim và nung thêm một lần trong vòng 10 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 1.000 độ C để vàng bám chặt vào nền sản phẩm. Chính nét vẽ vàng kim đặc biệt phù hợp và nổi trên nền vàng của sản phẩm gốm đã góp phần đưa thương hiệu gốm Chu Đậu bay xa.

Sản phẩm tiêu biểu Quốc gia

Từ năm 2015, gốm Chu Đậu chính thức được Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu của Quốc gia bởi sản phẩm hội tụ được các yếu tố truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, bởi “Gốm Chu Đậu – Tinh hoa Văn hóa Việt Nam” – trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các cụ xưa có câu “Người là tinh hoa của trời, gốm là tinh hoa của đất”, nên nói đến gốm phải nói đến đất. Điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét làm gốm. Đất làm ra gốm Chu Đậu được khai thác ở một nơi đặc biệt tại vùng đất thiêng Chí Linh. Trời đất đã phú cho vùng đất nơi đây một nguyên liệu quý giá để làm gốm – đó là đất sét trắng. Đó là loại đất quý hiếm, ít tạp chất, qua nhiều công đoạn lọc, ủ rồi lắp ghép và gia công đã tạo nên những tác phẩm gốm với dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. “Hiện nay, Công ty CP Gốm Chu Đậu đang thực hiện ước vọng đưa dòng gốm mang tinh hoa của đất Việt đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Gốm Chu Đậu hiện đã được xuất khẩu chính ngạch đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là nỗ lực tổng hòa của cán bộ, nhân viên Công ty trong việc xây dựng thương hiệu gốm Chu Đậu mang tầm quốc tế. Tầm vóc mà dòng gốm này đã từng đạt được ở thế kỷ XV-XVI”. Vì thế “Không được để mất những gì là tinh hoa, là nguồn cội”, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu chia sẻ.

Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là cặp bình Âm-Dương hay còn gọi là Bình Hoa Lam, Tỳ Bà. Bình Tỳ Bà (bình Âm) là sự hiện thân của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nết na. Còn bình Hoa Lam (bình Dương) đại diện cho người đàn ông, là trụ cột là nền tảng trong gia đình. Đặc biệt, đĩa “1000 chữ Long” vẽ theo phong cách thư pháp độc đáo đã vinh dự đạt kỷ lục thế giới.

Theo quan điểm của người xưa, nói đến các sản phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hòa của năm yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Kim loại có trong xương và men gốm tạo ra vẻ đẹp và sự huyền bí của màu sắc. Lửa là tác nhân của sự bền chắc trong xương gốm, sự sáng trong quyến rũ của áo gốm. Nước hợp với đất tạo dáng cho gốm. Ngọn lửa là cha tạo ra phẩm chất sắc thái của gốm, đất là mẹ tạo ra xương thịt cho gốm. Chính yếu tố văn hóa, truyền thống Việt và hội tụ năm yếu: kim-mộc-thủy-hỏa-thổ đã tạo nên dòng gốm tâm linh Chu Đậu độc đáo và dân gian đã truyền tụng: Có gốm Chu Đậu trong nhà, như là có cả ông bà tổ tiên.

Cặp bình Hoa Lam Tỳ Bà – một trong những sản phẩm độc đáo của Gốm Chu Đậu.

Gốm Chu Đậu còn được nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng làm quà tặng mang ý nghĩa truyền thống, văn hóa: như bình giọt ngọc, bình phú quý, trống đồng. Trong đó có 2 dòng là hàng truyền thống và sản phẩm vẽ vàng kim cao cấp. Đặc biệt, Dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Công ty đang phát triển một số mẫu sản phẩm tiêu biểu như bình bảo liên, bình trường phúc, bình phú quý, bình giọt ngọc để giới thiệu đến khách hàng sử dụng và làm quà tặng cho hội nghị lớn.

Đối mặt với khó khăn và thử thách trong thời kỳ mở cửa, gốm Chu Đậu đã có nhiều phương án, kế hoạch nhằm phát triển thương hiệu cho sản phẩm này. Trong đó, câu chuyện xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp ở gốm Chu Đậu được thể hiện ở môi trường làm việc tốt, tập trung phát triển đội ngũ nghệ nhân, bộ máy tổ chức chặt chẽ từ ban lãnh đạo đến các phòng chức năng; mối quan hệ giữa nhân viên và ban lãnh đạo Công ty ngày càng gắn kết. Bằng nỗ lực của mình, Công ty CP Gốm Chu Đậu quyết tâm đưa sản phẩm gốm nổi tiếng hơn nữa, xứng đáng với 10 chữ mà Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đề tặng: “Gốm Chu Đậu – Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu

Hotline: 0906.655.095. Website: www.chudauceramic.vn

Ái Liên

14:43:30 13-03-2020

VHDN:Gốm Chu Đậu sau hơn 400 năm thất truyền đã hồi sinh, phát triển. Đặc trưng riêng của gốm Chu Đậu không chỉ thể hiện qua các hoa văn, họa tiết tinh xảo mà màu men tro trấu còn phản ánh trung thực nền văn minh, bản sắc văn hóa thuần Việt. Một dòng gốm […]

Đối tác của chúng tôi