Sự kiện - chuyên đề:

Văn hoá là hành trang để Doanh nhân vươn ra biển lớn

VHDN: Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đẩy mạnh giao lưu văn hoá và các nhà kinh doanh chính là người tham gia trực tiếp vào quá trình giao lưu văn hoá nói chung và xây dựng văn hoá kinh doanh nói riêng. Vì vậy, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải là người giữ gìn, sáng tạo xây dựng và có trách nhiệm xã hội đối với phát triển văn hoá đất nước.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ra đời trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá được xã hội tôn vinh là “những người chiến sỹ trên mặt trận kinh tế”. Ngay từ ngày đầu thành lập nước, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương và khẳng định vai trò to lớn của họ trong sự nghiệp kiến quốc. Người viết: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững mạnh, thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tình giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này… Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là cái sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Có thể khẳng định rằng: ngày nay, Đảng, Nhà nước và xã hội đã đặt đúng vị trí, vai trò của doanh nhân và coi họ là tầng lớp “tinh hoa” của xã hội đương đại trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là thừa nhận “tính nhiều chiều, nhiều cạnh của sự phát triển”, trong đó cạnh, chiều văn hoá có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, giao lưu văn hoá và giữ gìn bản sắc văn hoá là vấn đề phức tạp nhất, có ý nghĩa to lớn trong kinh tế thị trường toàn cầu hoá hiện nay. Loại trừ những mặt trái của nó, kinh tế thị trường là sản phẩm tiến bộ đem lại thịnh vượng cho nhân loại mấy trăm năm qua và cũng có thể nói thị trường là sản phẩm tinh thần, một di sản văn hoá giá trị của nhân loại. Các nhà kinh doanh được nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường kinh tế thị trường và chính họ đã làm giàu môi trường đó. Văn hóa là con người; thị trường có con người mà trước hết đội ngũ các nhà kinh doanh phải hội tụ phẩm chất kinh doanh bao gồm: Tài – Đức – Tâm.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là sản phẩm của lịch sử đang còn ở giai đoạn sơ khai. Đội ngũ doanh nhân nước ta ra đời phần nhiều chưa có sự chuẩn bị từ thực tiễn thị trường, cho nên một bộ phận đã lệch chuẩn văn hoá kinh doanh. Hiện tượng kinh doanh còn chụp giật, lừa gạt, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, thiếu kiến thức, bản lĩnh và thiếu một nền tảng văn hoá kinh doanh văn minh… đã gây khó khăn và thua thiệt cho đất nước trong hội nhập và làm mờ đi hình ảnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước hết, văn hoá phải là nền tảng tinh thần của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, là hành trang tinh thần để các doanh nhân tham gia cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, họ cần phải trau dồi, tu luyện 4 tố chất sau:

Tâm, doanh nhân phải có tâm trong sáng; có ý chí và tâm huyết với công việc, với đất nước, coi kinh doanh là sự nghiệp, là ý nghĩa của cuộc sống. Tâm là lương tâm nghề nghiệp là tự trọng, là lịch sự trong quan hệ và tâm là biết quý trọng đồng tiền nhưng không phải vì tiền.

Trí, doanh nhân phải có trí tuệ là cơ sở của quản lý và tài năng. Nhà quản lý doanh nghiệp phải có kiến thức rộng, có tầm nhìn xa và là người luôn có ý tưởng sáng tạo.

Lực là sức bền cả về tinh thần lẫn thể lực, có khả năng chịu đựng được áp lực công việc và luôn làm việc với cường độ cao, có hiệu quả. Một tinh thần khoẻ khoắn trên một cơ thể cường tráng là tiền đề của thành công và cũng phải có một lực về kinh tế.

Văn hóa, văn là phong cách kinh doanh, đạo đức kinh doanh. Mỗi doanh nhân và doanh nghiệp phải tạo cho mình một thương hiệu, một hình ảnh tốt đẹp trong xã hội. Văn còn là xử lý mối quan hệ con người và xã hội trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Văn chính là tư tưởng và ý thức nhân văn của doanh nhân. Văn là sự hướng về các giá trị văn hoá của dân tộc.

Hai là, xét theo khía cạnh hành vi thì văn hoá doanh nhân phải thể hiện ở các phương diện chính như sau:

Tuân thủ pháp luật: Tự giác tuân thủ pháp luật là một yếu tố của văn hóa, là giá trị văn hoá của doanh nhân trong cơ chế thị trường.

Tôn trọng khách hàng: Khách hàng và đối tác là ân nhân, là bạn của doanh nghiệp. Kinh doanh phải trung thực, coi trọng chữ tín và giữ vững lời hứa với khách hàng. Đây là yếu tố tạo nên giá trị văn hoá bền vững trong kinh doanh.

Cạnh tranh kinh tế: Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để tìm và giữ lợi thế kinh doanh. Cạnh tranh kinh tế phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của cộng đồng, quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp khác và lợi ích của người tiêu dùng. Đây chính là cạnh tranh lành mạnh…

Tôn trọng các nhà đầu tư: Nhà kinh doanh phải tôn trọng cổ đông của mình, tôn trọng các nhà đầu tư khác. Phải hành động trong khuôn khổ của điều lệ kinh doanh.

Nhân văn là tôn trọng con người. Trong quản lý doanh nghiệp, doanh nhân luôn hướng về các giá trị tinh thần của người lao động và tạo môi trường tâm lý tích cực của tập thể những người lao động.

Ba là, cộng đồng doanh nhân Việt Nam nên có các lời thề. Đây là vấn đề còn mới mẻ ở nước ta. Trên thế giới nhiều quốc gia có lời thề doanh nhân. Các dịp hội họp, gặp gỡ họ đọc lời thề đó một cách trang trọng. Thí dụ: ở Mỹ, các doanh nhân Mỹ trong sinh hoạt và gặp gỡ bao giờ họ cũng bắt đầu bằng nghi thức: Hướng về quốc kỳ, đọc 10 lời thề “Thề trung thực trong công việc kinh doanh… Thề tất cả những gì làm đều đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết”.

Chúng ta nên khởi xướng soạn thảo Lời thề doanh nhân Việt Nam. Và nếu được cộng đồng doanh nhân ủng hộ, nó sẽ là nền tảng tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh doanh nhân Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

V.Đ
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)

09:57:30 14-06-2023

VHDN: Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đẩy mạnh giao lưu văn hoá và các nhà kinh doanh chính là người tham gia trực tiếp vào quá trình giao lưu văn hoá nói chung và xây dựng văn hoá kinh doanh nói riêng. Vì vậy, đội ngũ doanh nhân Việt […]

Đối tác của chúng tôi