Sự kiện - chuyên đề:

Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ: Thời điểm chín muồi cho những mục tiêu mới

Việc Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện diễn ra vào thời điểm “chín muồi”, phù hợp với những mục tiêu chiến lược của cả hai nước, theo chuyên gia.

Sau cuộc hội đàm ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã thông báo quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam và Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, sau 10 năm hai nước thiết lập Đối tác toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Thời điểm chín muồi

“Việt Nam và Mỹ ký hiệp định xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện đã được 10 năm, thực sự đã đến giai đoạn chín muồi để hai quốc gia nâng cấp lên một mức mới, thể hiện sự gắn chặt giữa hai nước,” TS Nguyễn Thành Trung từ Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.

Điểm lại những thành quả phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, TS Nguyễn Thành Trung cho rằng chúng được thể hiện trong nhiều khía cạnh, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn về an ninh, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, đặc biệt thể hiện trong những gì Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam, ví dụ như trong công tác Chống dịch Covid-19 vừa qua.

Về sự kiện lần này, chỉ riêng việc Mỹ chọn sắp xếp chuyến thăm trong giai đoạn gấp rút này, cũng cho thấy Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng đối với Mỹ, cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Trung lưu ý.

Có nhiều yếu tố đã thúc đẩy hai quốc gia từ những cựu thù trong chiến tranh đến được vị trí này.

“Hai bên đã có nhiều nỗ lực và thiện chí giải quyết những vấn đề hậu quả chiến tranh, đồng thời chung tầm nhìn về sự phát triển của hai quốc gia,” vị giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định.

Việc thúc đẩy quan hệ song phương đã tạo ra nhiều lợi ích chung, đặc biệt trong phát triển kinh tế thương mại của cả hai nước, cũng như đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Điều này thể hiện rõ ràng qua những con số về thương mại-xuất khẩu ấn tượng. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mặt khác, cố vấn cấp cao Frederic Burke từ hãng luật Baker & McKenzie Việt Nam cho rằng, việc hai bên nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới cũng phần nào thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong hỗ trợ Việt Nam và các nước khác trong khu vực thực hiện các chiến lược phát triển hội nhập kinh tế toàn cầu.

Việc này sẽ góp phần khôi phục động lực tăng trưởng thương mại và đầu tư song phương vốn đã mang lại lợi ích cho rất nhiều bên.

“Đây không phải là thời điểm dễ dàng để thực hiện điều này – các thị trường thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch và biến đổi khí hậu cũng như tính bền vững là những thách thức hiện hữu mà tất cả các quốc gia phải cùng nhau đối mặt, nhưng việc đứng lên và thể hiện sự ủng hộ của mình đối với điều quan trọng này luôn là điều đúng đắn xu hướng toàn cầu hóa,” ông Fred Burke nhấn mạnh.

Mở ra chương mới trong quan hệ song phương

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ sẽ đóng góp mạnh mẽ vào việc phát triển mối quan hệ song phương cũng như mục tiêu của mỗi bên.

Theo TS Nicholas Chapman từ Đại học Quốc tế Nhật Bản, việc nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ phù hợp với các mục tiêu chiến lược tổng thể của Việt Nam cũng như về phía Mỹ, sẽ mang đến những cơ hội phát triển kinh tế mới và các ngành công nghiệp chủ chốt như AI và chất bán dẫn.

“Nhìn chung, quyết định nâng cấp quan hệ phản ánh cách tiếp cận thực tế để đạt được các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong ngắn hạn cũng các chiến lược to lớn trong dài hạn,” TS Chapman chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thành Trung nhận định, việc hai quốc gia đã nâng lên một mức mới trong quan hệ đồng nghĩa mở ra một chương mới, nền tảng cho sự hợp tác và thảo luận ở rất nhiều vấn đề khác nhau.

Chẳng hạn trong kinh tế, những tiềm năng trong khung khổ mới này có thể kể đến như: Kinh tế số – một lĩnh vực rất quan trọng trong tương lai, Kinh tế xanh – đảm bảo thích ứng với những diễn biến khí hậu hay Năng lượng tái tạo, đảm bảo đầu tư vào công nghiệp xanh, sạch.

Về đầu tư, việc này góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng thích ứng với những diễn biến biến động mới, đảm bảo Việt Nam sẽ là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có sự đầu tư của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất chip.  “Điều này hết sức thiết yếu trong sự phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới”, ông Trung lưu ý.

Về khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, công tác chia sẻ thông tin, sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới, tăng cường nguồn tài trợ viện trợ từ Mỹ trong các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.

Động thái này cũng sẽ có thể góp phần vào sự hòa bình ổn định, thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực bởi thúc đẩy hợp tác luôn là xu thế chủ đạo, dẫn đến sự phồn vinh chung. “Việc Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác, giữ những vai trò mạnh mẽ hơn có thể thúc đẩy những sáng kiến hòa bình ổn định trong khu vực,” TS Nguyễn Thành Trung cho biết.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

15:34:55 11-09-2023

Việc Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện diễn ra vào thời điểm “chín muồi”, phù hợp với những mục tiêu chiến lược của cả hai nước, theo chuyên gia. Sau cuộc hội đàm ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã […]

Đối tác của chúng tôi