Sự kiện - chuyên đề:

Nhiều thách thức cho xuất khẩu những tháng cuối năm

VHDN: Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cần phải quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng XK như đã đề ra. Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm DN, địa phương ngành hàng XK.

Tăng trưởng chậm lại

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch XK tăng trưởng 6 – 8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả XNK của Bộ Công Thương được đánh giá là đã đạt được những kết quả tốt trong bối cảnh khó khăn chung. Cụ thể, quy mô XK tăng cao, đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao. Theo số ước của liên Bộ, tính đến hết tháng 7, kim ngạch XK ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đã có 24 mặt hàng XK trên 1 tỷ USD, 33/45 mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 16%) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu Quốc hội là tăng trưởng từ 7 – 8% trong năm 2019.

Đáng chú ý, kim ngạch XK của khối DN trong nước đạt 44 tỷ USD sau 7 tháng, tăng 12,2% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ của khối DN FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Khác với thời gian trước, mức tăng kim ngạch XK của khối DN trong nước không đến từ nhóm nông thủy sản mà đến từ các mặt hàng công nghiệp như gỗ, dệt may, chất dẻo… Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Hiệu quả từ công tác hội nhập cũng đang dần phát huy khi khi kim ngạch XK sang các thị trường có FTA của nước ta trong 6 tháng qua đều tăng trưởng tốt như XK sang Nhật Bản tăng 8,9%; Hàn Quốc tăng 4,7%, ASEAN tăng 5,6%… Các thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt như Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,43%…

Nhằm tạo thuận lợi cho DN XK, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại như thành lập đường dây nóng về xuất nhập khẩu; đàm phán, ký kết và tuyên truyền cho DN các lợi ích từ các FTA; phối hợp với các cơ quan liên quan chống gian lận xuất xứ hàng hóa… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hoạt động XK những tháng đầu năm đã bộc lộ một số khó khăn như kim ngạch XK sang Trung Quốc tăng quá thấp, chỉ đạt 0,3% sau 6 tháng; kim ngạch XK hàng hóa sang EU giảm. Ngoài ra, hiệu quả XK cũng còn phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại. Đặc biệt, có đến 6/9 mặt hàng nông sản chủ lực có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2 – 23,4 tỷ USD

Trong bối cảnh những xung đột trên thị trường thế giới khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn. Theo ông Phan Văn Chinh, kim ngạch XK 7 tháng đã đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019, kim ngạch XK sẽ đạt khoảng 261 – 262 tỷ USD, tăng 7 – 7,5% so với năm 2018. Như vậy từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2 – 23,4 tỷ USD. Đây được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn vì lần đầu XK của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6-8% so với năm trước.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) lo ngại về vấn đề kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu tiểu ngạch, sau đó bày bán trên các trang thương mại điện tử. Nếu không kiểm soát tốt nguồn hàng nhập khẩu này thì sẽ cạnh tranh trực tiếp và không công bằng với hàng hóa trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những tháng cuối năm, bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu những biến động chính trị, còn cần tập trung phát huy hiệu quả những việc ta đã làm được. Cụ thể, phải tập trung cho bài toán XK nông sản. Đơn cử 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK rau quả sang Trung Quốc đã giảm 1,7% so với năm ngoái. Mức giảm tuy ít nhưng đã đánh dấu những tín hiệu cần quan tâm. Ngoài nhu cầu yếu đi, những thay đổi chính sách từ trao đổi cư dân biên giới sang chính ngạch đã tác động mạnh đến con số sụt giảm này. Về mặt hàng gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo từ phía Trung Quốc yếu đi là do thị trường này đang chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Do đó, sẽ có những bộ quy tắc kiểm soát hàng hoá ngặt nghèo hơn. “Đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường về vấn đề chất lượng, mở rộng hơn diện các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đường chính ngạch. Các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp cần vào cuộc. Bởi câu chuyện Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu chính ngạch đã được Bộ Công Thương cảnh báo gửi tới các địa phương từ năm 2018 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn chủ quan, thờ ơ, không triển khai các điều kiện xuất khẩu theo quy định. Câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam là một bài học”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cần phải quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng XK như đã đề ra. Những tháng cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm DN, địa phương ngành hàng XK. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại, từ đó có giải pháp phối hợp với các đối tác để chủ động với các vụ việc phòng vệ thương mại. Ngoài ra, phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá lại các thị trường có sự sụt giảm kim ngạch XK, tìm ra nguyên nhân, kể cả là nguyên nhân khách quan, từ đó tìm cách tháo gỡ. Vạch mục tiêu rõ ràng với từng thị trường, tránh lối mòn trong tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quốc gia.

L.H

13:12:18 09-09-2019

VHDN: Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cần phải quyết tâm để có giải pháp hữu hiệu nhất đạt tăng trưởng XK như đã đề ra. Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho […]

Đối tác của chúng tôi